Thursday, March 28, 2013

Chuyện nuôi con (By V. L.)




Tôi suy nghĩ khá nhiều khi đặt tay viết những dòng này. Bởi tôi biết việc nuôi dạy một đứa trẻ có trăm nghìn cách. Theo kiểu gì thì đa phần rồi chúng cũng lớn lên và sống cuộc đời của mình. Lúc đó, xem như cha mẹ đã hoàn thành trách nhiệm.

Nhưng có vẻ như tôi là người luôn muốn phức tạp hoá mọi thứ. Tôi không thể sinh ra một đứa con rồi khoát tay bảo "Thây kệ, trời sinh voi sinh cỏ!". Nghĩa là tôi không dễ dàng giao nó cho bất kì ai thay tôi nuôi nấng dạy dỗ. Với tôi, đứa con mà tôi rút ruột đẻ ra là kết quả của tình yêu và tâm huyết, thì chỉ có tôi và bố nó mới là người có quyền quyết định việc nuôi dạy nó như thế nào. Nghe có vẻ khá cực đoan nhưng đó là ước muốn của bản thân tôi ngay từ khi còn rất trẻ.

Vì thế, tôi mong ai đang ngồi đọc những dòng này, nếu có quan niệm trái chiều cũng đừng cáu giận. Cũng đừng cho rằng tôi được bao nhiêu tuổi đầu mà chối bỏ những kinh nghiệm nuôi dạy trẻ được lưu truyền bao đời nay. Xin nhớ cho, tôi không có ý chê bai bất kì ai không đồng quan điểm với mình. Đơn giản là tôi chọn cách thức thích hợp với hoàn cảnh của tôi : tự thân nuôi con, không có sự trợ giúp của ông bà, người giúp việc, họ hàng sao cho không tốn quá nhiều thời gian và công sức, lại có lợi cho sự phát triển tính cách của trẻ về sau.


Trước hết, tôi cho rằng kĩ năng sống là thứ mà con tôi cần nhất ngay từ khi chúng mới lọt lòng. Khi chúng có kĩ năng sống tốt, người có lợi trước nhất không phải là cha mẹ mà chính là bản thân chúng. Làm sao bạn có thể theo sát để lo cho con suốt cuộc đời? Vậy thì tại sao không dạy cho chúng các phương cách tự thân vận động và sống sót khi không có bố mẹ kề bên? Mà những điều gọi là "kĩ năng" kia, không phải một sớm một chiều là có thể hình thành. Nó phải qua một quá trình rèn luyện, tích tụ lâu dài. Vì thế, dân gian thường nói "Dạy con từ thuở còn thơ" là vậy.  Khi một đứa trẻ biết tự lập từ sớm, người có lợi thứ hai chính là cha mẹ. Nhất là người mẹ. Ta sẽ cảm thấy việc nuôi con không quá mệt nhọc hay quá nhiều phiền phức. Con độc lập, mẹ sẽ có nhiều thời gian cho bản thân, để thấy cuộc sống thời con mọn không phải là cực hình hay quá đen tối như dân gian truyền miệng. Đương nhiên, kĩ năng sống đó phải được đi kèm với một thể chất khoẻ mạnh. Một thể chất khoẻ mạnh không có nghĩa là nó phải béo, phải cao to hơn chúng bạn. Hoặc nó phải ăn uống hùng hục cả ngày. Không! Con tôi phải là đứa trẻ phát triển bình thường với sức đề kháng tốt với các loại bệnh. Nó phải linh hoạt và sẵn sàng tham gia bất kì hoạt động tinh thần lẫ thân thể nào khi có cơ hội.

Để làm được hai điều đó cho con, tôi buộc phải tìm hiểu rất nhiều thông tin từ mọi phía. Sau đó là cả một quá trình sàn lọc. Tôi tin rằng, mọi việc sẽ đạt được kết quả khả quan hơn nếu mình vận hành nó một cách có khoa học.

Trải qua hơn 2 năm, Pan con trai lớn của tôi đã có một mớ thành tích khiêm tốn như sau : 

- 4 tháng : tự ngủ và ngủ một mình một phòng, nghĩa là tối tối, con được tắm mát, đựơc ăn no, mẹ đặt vào cũi và cứ thế con ngủ đến sáng. Điều này thật đã là một việc không dễ dàng cho cả hai mẹ con, nhưng sau cùng chúng tôi đã vượt qua. 

- 4.5 tháng : tự cầm bình sữa để uống sau hai tuần được mẹ tận tâm rèn luyện. Cũng là lúc bắt đầu học ăn dặm, học phong cách ăn uống. Nguyên tắc bất di bất dịch của mẹ thời gian này là : con không bao giờ được ăn nếu con rời khỏi cái ghế ăn. Vì thế, mãi đến sau này, đi bất kì đâu, Pan cũng thích ngồi vào ghế ăn hơn là ngồi ở ngoài. 

- 9 tháng : bắt đầu tập dùng ống hút thay dần các bình ti khi uống nước và trái cây.

- 12 tháng : bỏ hẳn bình ti sau 3 ngày luyện tập. Từ giai đoạn này, Pan uống hẳn sữa tươi bằng ống hút hoặc bằng bình có vòi. Pan bắt đầu ngồi ăn cùng bàn, cùng giờ với bố mẹ. 

- 15 tháng, bắt đầu tự xúc. Đa phần là dùng dĩa ghim trái cây. Tuy nhiên giai đoạn này, thức ăn rơi ra ngoài khá nhiều. Mẹ mặc, con cứ ngồi đó, khi nào mẹ ăn xong mẹ sẽ bổ sung thức ăn cho con sau. Cùng thời gian này, Pan biết tự lấy giày đưa cho mẹ mang vào khi ra khỏi nhà và tháo giày cho vào giá giày khi đi đâu về. Bắt đầu có ý thức dọn dẹp đồ chơi cẩn thận sau vài lần mẹ chỉ bảo.

- 18 tháng, Pan chính thức làm người lớn, tự xúc, tự túc ăn uống. Đi đổ rác với bố mỗi ngày sau giờ ăn tối (thường thì mẹ soạn riêng cho Pan một túi rác không quá nặng và bẩn : các loại giấy báo hoặc hộp sữa...), biết tự đi lấy khăn lau chùi vết bẩn khi làm đổ ra sàn nhà (việc này mẹ đã làm gương cho Pan hàng ngày, đổ tháo là phải lau dọn ngay, sau đó mẹ tập cho Pan làm...)

- 24 tháng : Pan chính thức bỏ bỉm cả ở nhà, lẫn đi chơi và ban đêm. Giờ thì Pan tự đi toilet. Pan tự cởi quần, tự chạy vào toilet. Đi xong, Pan mang quần ra đưa cho mẹ. Khi nào đại tiện, Pan gọi mẹ và bảo "Mama..C***t!", thế là mẹ vào lau rửa cho bạn. 

Xin mở ngoặc ở đây để nói rằng bất kì đứa trẻ nào được nuôi dưỡng và dạy dỗ theo cùng phương cách thì hầu hết đều có thể làm được tất cả mọi thứ như Pan, có bạn còn giỏi hơn rất nhiều. Tiếc là dường như ở Việt Nam, người ta không muốn/không thể làm như vậy. Nguyên nhân vì đâu thì ... đúng là những câu chuyện rất dài. Hôm nào rảnh rỗi có dịp ta lại nói về điều này sau vậy.

Có điều tôi phải công nhận, thoạt trông thành tích mà các bạn nhỏ đạt được như Pan, đa phần ai ai cũng cho rằng mọi việc không quá khó khăn. Nhưng thú thật, hai năm trôi qua với tôi thật không dễ dàng. Bởi Pan vốn không phải là đứa trẻ dễ tính. Và tình thương của một người mẹ, đôi khi là thứ áp lực vô hình nhưng sức nặng âm ỉ vẫn âm thầm đè nặng lên tôi. Không ít lần làm ngực bên trái của tôi đau nhói. Nhưng rồi tôi tự nhủ : cái này có lợi cho con nếu lỡ không có mẹ kề cận, nên thôi, ráng vậy! Cứ thế ngày qua ngày, mẹ con tôi đi qua những khó khăn một cách chậm rãi. Tôi cũng quen dần, và không còn thấy việc rèn luyện cho con là quá sức chịu đựng của mình như trước kia. Hiện tại, Pan vẫn tiếp tục con đường học tập kĩ năng sống với mẹ, và sắp tới là ở trường. Em Bea cũng bắt đầu việc học tập của mình từ lúc ra tháng là quen dần với việc ít bế bồng. Rồi em sẽ trải qua các giai đoạn như anh Pan. Mong rằng mọi sự sẽ diễn ra tốt đẹp.

Nếu đọc đến đây mà bạn đang cười thầm là "Tưởng việc gì, những việc nuôi trẻ thế này thì có gì là khó mà khoa học với chả khoa học?", thì tôi tin chắc bạn đang là một cô gái độc thân, vui tính và chưa từng biết đến việc chăm sóc trẻ như thế nào. Hoặc bạn đã sinh ra con, nhưng giao hẳn nó cho ông bà, người giúp việc chăm lo để đi làm hoặc để được tự do. Điều này tôi hoàn toàn có thể cảm thông. Vì ngay bản thân tôi trước kia, khi chưa tự tay chăm sóc trẻ, tôi cũng cho rằng nó rất dễ dàng. Và tôi có thể cho bạn thời gian để xem xét lại những gì bạn đang nghĩ.

Nếu bạn đang định hỏi tôi "Việc quái gì phải lao tâm khổ tứ nghĩ đủ trò cho con thế kia? Cứ theo quán tính mà nuôi, kiểu gì thì nó cũng lớn!". Vâng, kiểu gì thì nó cũng lớn. Tôi có bảo là nó không lớn lên hay chết đi đâu. Nhưng lớn như thế nào lại là vấn đề khác. Khi xã hội và các giá trị trong đời sống đã thay đổi, tôi buộc mình phải thay đổi tư duy trong quá trình nuôi dạy con. Ở thời của con tôi, mọi thứ sẽ hoàn toàn khác. Và vì sao bạn phải lao tâm khổ tứ ư? Là vì chính bạn đấy! Đã qua rồi cái thời "con cái là cả cuộc đời của cha mẹ". Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Con cái có cuộc đời của con cái, và cha mẹ có cuộc đời của cha mẹ. Cha mẹ có thể hy sinh vì con, nhưng không phải cả cuộc đời mà chỉ nên là một khoảng thời gian nào đó, lúc cha mẹ bắt đầu việc trang bị cho con mọi kĩ năng để sẵn sàng sinh tồn, chứ không phải cha mẹ sẽ dành cả đời này để sống, để vui, để buồn cùng con. Cha mẹ cũng không cần con báo hiếu, đáp trả hay mang vinh danh gì về cho cha mẹ. Nếu con làm đựơc điều đó, thì người hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất là bản thân con. Còn với cha mẹ, chỉ cần con có khả năng tồn tại độc lập, tự lo được cuộc sống bản thân một cách đàng hoàng, thì đó là một sự đền trả xứng đáng nhất mà cha mẹ được nhận.

Với người mẹ, nuôi con và hưởng thụ từng khoảnh khắc cùng con là điều rất nên làm. Đến giờ phút này, khi đã sinh đứa thứ hai, tôi hoàn toàn yên tâm là mình đã đi đúng hướng. Bằng chứng là tôi vẫn thảnh thơi có thời gian làm những việc mình yêu thích mà không phải bỏ bê con cái hoặc để nó hao gầy thân xác. Tôi không phải cực nhọc chay đi bón từng thìa cơm cho con khắp làng xóm, đồng thời con tôi cũng không phải cực nhọc đóng bỉm cả ngày. Sự cố gắng này, có phải đáng giá gấp trăm lần sự cố gắng theo kiểu "hy sinh mọi thứ" vì con, cả ngày đầu tắt mặt tối, bế bồng, nâng niu, nuông chìu, chăm bẩm không?

Làm mẹ, trên bất kì phương diện nào, ở bất kì thời nào cũng không bao giờ là công việc nhẹ nhàng. Nhưng nếu có thể giảm thiểu sự cực nhọc mà lại tốt cho con trong tương lai thì chẳng việc gì tôi từ chối. Vì tôi biết, tôi không thể theo con tôi mà lo cho nó cả cuộc đời.

(08/2011)


Source: Van Lam - http://vubuifamily.blogspot.ru/2011/08/nuoi-con-ngay-nay.html
Pic: MOAAN - http://www.flickr.com/people/moaan/

No comments:

Post a Comment